CÁC THÀNH PHẦN TRONG CÂU TIẾNG TRUNG

Khi mới học tiếng Trung có rất nhiều bạn bỡ ngỡ vì câu trong tiếng Trung bị đảo ngược so với câu trong tiếng Việt. Hãy cùng Tiếng Trung Thảo An tìm hiểu về “các thành phần câu trong tiếng Trung” thông qua bài viết này nhé.

1. CÂU TRONG TIẾNG TRUNG LÀ GÌ?

Khái niệm:

– Câu là đơn vị ngôn ngữ dùng để biểu đạt một ý nghĩa tương đối hoàn chỉnh, cuối câu có dấu câu.
Ví dụ:
(1)今天很冷。/Jīntiān hěn lěng./ Hôm nay trời rất lạnh.
(2)小明女朋友真漂亮!/ Xiǎomíng nǚ péngyǒu zhēn piàoliang!/ Bạn gái Tiểu Minh xinh quá!

2. THÀNH PHẦN CÂU VÀ CÁCH DÙNG CỦA CÁC THÀNH PHẦN CÂU TRONG TIẾNG TRUNG

Thành phần câu là các thành phần cấu tạo nên một câu, bao gồm 8 loại: chủ ngữ, vị ngữ, động ngữ, tân ngữ, định ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, trung tâm ngữ.

Khái niệm và các thành phần câu

2.1 Chủ ngữ
– Là chủ thể trong câu, đối tượng mà vị ngữ trần thuật, thường do danh từ, đại từ, cụm động tân hoặc một phân câu đảm nhiệm, đứng đầu câu.
Ví dụ:
(1) 妈妈是医生。 /Māmā shì yīshēng./ Mẹ là bác sĩ.
(2) 我是学生。/Wǒ shì xuéshēng./ Tôi là học sinh.

2.2 Vị ngữ
– Được dùng để trần thuật, miêu tả động tác hoặc đặc điểm tính chất của chủ ngữ, thường do động từ hoặc tính từ đảm nhiệm, đứng sau chủ ngữ.
Ví dụ:
(1) 爸爸是律师。/Bàba shì lǜshī./ Bố là luật sư.
(2) 田芳的学习成绩非常好。/Tián fāng de xuéxí chéngjī fēicháng hǎo./ Thành tích học tập của Điền Phương rất tốt.

2.3 Động ngữ

– Biểu thị hành vi, động tác, sự chi phối liên quan tới tân ngữ, thường do động từ tạo thành.
Ví dụ:
(1) 我明天跟朋友去看电影。/Wǒ míngtiān gēn péngyǒu qù kàn diànyǐng./ Ngày mai tôi đi xem phim cùng bạn của tôi.
(2) 经过十二年的努力我终于也考上了国立经济大学。/Jīngguò shí’èr nián de nǔlì wǒ zhōngyú yě kǎo shàngle guólì jīngjì dàxué./ Cuối cùng thì sau 12 năm nỗ lực tôi cũng thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

2.4 Tân ngữ

– Là thành phần đi theo sau động từ
Ví dụ:
(1) 她每天放学后都回家帮妈妈做家务。/Tā měitiān fàngxué hòu dōu huí jiā bāng māmā zuò jiāwù./ Mỗi ngày sau khi tan học cô ấy đều về nhà giúp đỡ mẹ làm việc nhà.
(2) 这套房子有一百平方米。/Zhè tào fángzi yǒu yībǎi píngfāng mǐ./ Căn nhà này rộng 100m2.

2.5 Định ngữ

– Là thành phần đứng trước và tu sức cho trung tâm ngữ, thường dùng với cấu trúc: Định ngữ + 的 + Trung tâm ngữ
Ví dụ:
(1) 我的老师是王老师。/Wǒ de lǎoshī shì wáng lǎoshī./ Thầy giáo của tôi là thầy Vương.
(2) 黄明的朋友是小兰。/Huáng míng de péngyǒu shì xiǎo lán./ Tiểu Lan là bạn của Hoàng Minh.

2.6 Trạng ngữ
– Là thành phần tu sức cho động từ, tính từ, thường dùng với cấu trúc: Trạng ngữ + 地 + Trung tâm ngữ
Ví dụ:
(1) 听到好朋友回国,他高兴地跳起来。/Tīng dào hǎo péngyǒu huíguó, tā gāoxìng de tiào qǐlái./ Nghe tin bạn thân về nước, anh ấy vui đến mức nhảy cẫng lên.
(2) 我们都是大学生。/Wǒmen dōu shì dàxuéshēng./ Chúng tôi đều là sinh viên.

2.7 Bổ ngữ
Là thành phần đứng sau bổ sung ý nghĩa cho trung tâm ngữ. Thường dùng với cấu trúc: Trung tâm ngữ + 得 + bổ ngữ.
Ví dụ:
(1) 我这样说你听得清楚吗?。/Wǒ zhèyàng shuō nǐ tīng dé qīngchǔ ma?/ Tôi nói thế này bạn có nghe rõ không?
(2) 这个字你写错了。/Zhège zì nǐ xiě cuòle./ Chữ này cậu viết sai rồi.

2.8 Trung tâm ngữ

– Là thành phần trung tâm trong đoản ngữ chính phụ, đoản ngữ trung bổ.
Ví dụ:
(1) 我冷得手脚都动不了了。/Wǒ lěng dé shǒujiǎo dōu dòng bùliǎole./ Trời lạnh đến mức tay chân tôi không cử động được nữa rồi.
(2) 她的行动已经到我的心里了。/Tā de xíngdòng yǐjīng dào wǒ de xīnlǐle./ Hành động của ấy đã chạm đến trái tim của tôi.

Vậy là Tiếng Trung Thảo An đã chia sẻ cho bạn “các thành phần câu trong tiếng Trung”. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong những ngày đầu làm quen với tiếng Trung.